Hoa hậu Bích Phương: ‘Ngày xưa đói, đi thi sắc đẹp ai cũng eo thon’

0
397

30 năm trước, các thí sinh đi thi hoa hậu rất khác bây giờ, ai cũng ngại ngùng khi mặc áo tắm hai mảnh trước hàng trăm người.

Xem thêm:

Bùi Bích Phương là hoa hậu đầu tiên của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức năm 1988. Ba thập kỷ qua, hoa hậu Bích Phương vẫn giữ mãi những kỷ niệm đẹp của tuổi 17, của một thời đất nước còn gian khó, một thời cuộc thi hoa hậu được coi là hoạt động văn hóa của các Đoàn viên, thanh niên.

Mặc áo tắm trên sân khấu là điều ngoài sức tưởng tượng

– Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày chị đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, giờ đây nghĩ về cuộc thi, cảm xúc của chị như thế nào?

– Sau đăng quang, tôi may mắn được trở lại với cuộc thi trong tư cách thành viên ban giám khảo. Mỗi lần như vậy, cảm xúc của tôi đan xen giữa hồi hộp, vui mừng, bồi hồi, cảm thấy như chính mình cách đây 30 năm vậy.

Song hành cùng nhiều thí sinh của ít nhất 5 cuộc thi, nên tôi có cảm giác mình hiểu thí sinh hơn, thông cảm với họ, mình hoàn toàn là nhịp cầu để chia sẻ thuận lợi, khó khăn, thách thức với quá trình họ tham gia cuộc thi.

 Cho tới nay, chị còn lưu giữ những kỷ niệm nào của cuộc thi, của ngày đăng quang?

– Tôi đăng quang năm 1988. 30 năm trước cuộc thi rất khác so với bây giờ. Hồi đó, cuộc thi hoa hậu là một hoạt động văn hóa do Trung ương Đoàn phát động.

Tôi vào cuộc thi mà không có kinh nghiệm gì. Tôi cũng không hiểu sao lúc đó lại có dũng cảm để dự thi. Từ bé đến lúc đó, tôi chưa bao giờ đi giày cao gót, mà tham gia cuộc thi là phải trèo lên giày cao gót, lại còn mặc cả áo tắm hai mảnh nữa.

Đến phần thi áo tắm, nhiều thí sinh không dám bước ra, sân khấu phải chững lại 10 phút, mọi người mới đi ra. Thời điểm đó, vẻ đẹp kín đáo của người phụ nữ được coi trọng. Mặc áo tắm đứng trên sân khấu mà phía dưới là trăm, nghìn người, thật ngoài sức tưởng tượng của các thí sinh.

Sau khi hết phần thi của mình, tôi lại chạy vào trong cánh gà, vừa động viên các bạn, vừa cho các bạn mượn trang phục. Vì ngày xưa đi thi thì tự túc hết, làm gì có các nhà tài trợ hay mặc đồng phục với nhau như bây giờ.

Cuộc sống khi đó còn khó khăn, đói mà, bạn nào cũng thanh mảnh, eo thon, nên mặc vừa quần áo của nhau hết. Thi xong, tôi cho mượn quần áo, dầy dép, khăn để các bạn choàng ra ngoài áo tắm cho đỡ ngại.

Bùi Bích Phương khi đăng quang hoa hậu.

– Dường như không có sự cạnh tranh nào?

– Chúng tôi động viên nhau nhiều. Tâm thế tham gia cuộc thi không phải ganh đua nhan sắc, cạnh tranh đâu. Làm sao để bạn kia tự tin, ra sân khấu tỏa sáng, để đạt được mục đích cuối cùng là cuộc thi thành công tốt đẹp.

Lúc ấy chương trình giải trí chưa có, nên mọi người quan tâm, bàn tán cuộc thi rất nhiều. Nơi diễn ra cuộc thi là Nhà văn hóa Thanh Niên, sức chứa chỉ có 500 khán giả, đã bị vỡ trận. Khán giả ùa vào, làm đổ xô cửa. Tôi đứng trên sân khấu, nhìn xuống khán phòng chỉ thấy người. Phóng viên đứng sát sân khấu chật kín không có chỗ tác nghiệp.

Tôi tự hào mình là một nhân tố nhỏ cùng mọi người tạo nên thành công của cuộc thi năm ấy.

Danh hiệu Hoa hậu đã thay đổi cuộc đời chị như thế nào?

– Khi đăng quang tôi mới 17 tuổi. Khi ấy tôi, và cả cuộc thi lúc đó nữa, đều hồn nhiên, ngây thơ. Chia sẻ thật lòng, danh hiệu không mang lại cho tôi thay đổi lớn gì về vật chất. Tôi sinh ra trong một thời điểm như thế, lớn lên trong thời đoạn như vậy, thì đâu có nhiều danh lợi.

Nhưng cái mà danh hiệu hoa hậu mang đến cho tôi là sự trưởng thành. Khi mình đạt danh hiệu hoa hậu, mình phải ý thức, phải giữ gìn. Vương miện giúp tôi trưởng thành nhanh hơn bạn cùng trang lứa. Tôi không dám làm điều gì để ảnh hưởng đến kỳ vọng của mọi người.

Những điều đó tạo cho tôi một áp lực. Danh hiệu hoa hậu là áp lực. Áp lực đó không chỉ theo ta khi ta là đương kim hoa hậu đâu. Với tôi là 30 năm nay, tôi luôn luôn phấn đấu, vươn lên để xứng đáng với danh hiệu. Khi đã đạt được danh hiệu, ta phải xác định sống với danh hiệu, phấn đấu cả đời với danh hiệu.

Bùi Bích Phương (giữa) rạng rỡ khi hội ngộ các hoa hậu khác tại Hạ Long giữa tháng 8 vừa qua

“Ăn ốc vỉa hè cũng phải cân nhắc”

– Có bao giờ chị phải gồng mình lên để xứng với vương miện?

– Có chứ, hoa hậu cũng là người bình thường mà. Tôi là một cô gái, đạt danh hiệu khi ít tuổi như vậy. Mà cuộc sống ở thời điểm nào cũng có những cám dỗ. Khi cuộc sống của mình khó khăn, trước cám dỗ không dễ gì mình vượt qua được.

Để trở thành hoa hậu, tôi nghĩ không đơn giản là sự may mắn, mà cần có tố chất. Tố chất đó, đôi khi chỉ là mình vượt qua cái ham muốn của chính mình. Đôi khi mình phải hy sinh những ý thích nhỏ, sở thích nhỏ, mình phải giữ gìn hình ảnh.

Đơn giản như này thôi, mình có thể thích ngồi vỉa hè ăn ốc, uống trà với bạn bè thoải mái, nhưng khi là hoa hậu thì mình phải cân nhắc. Từ lời ăn tiếng nói mình phải để ý để làm sao mọi người luôn nhìn nhận để thấy cô ấy xứng đáng với danh hiệu mà cô ấy được trao tặng.

Khi đã là người của công chúng, thì mình không còn sống cho riêng mình nữa. Đó là khác biệt lớn nhất mà một hoa hậu phải hy sinh, người bình thường khó cảm nhận, chia sẻ được.

– Mang danh hiệu hoa hậu bước vào đời sống gia đình, chị có gặp trở ngại gì?

– Khi ra đường, mình có thể là hoa hậu, là người có chức vụ trong doanh nghiệp, được mọi người trong xã hội, đồng nghiệp quý trọng, chăm sóc… nhưng khi về nhà tôi nghĩ khác. Giống như khi ta ra ngoài đường, ta phải thay trang phục để đi, thì khi về nhà ta sẽ trút bỏ trang phục, trở thành người phụ nữ thuần túy của gia đình.

Tôi cũng vào bếp. Bởi nhà tôi có luật bất thành văn đó là giúp việc chỉ sơ chế đồ ăn, tôi nấu ăn. Con tôi khảnh ăn, chỉ muốn mẹ nấu ăn. Tôi thương con học bán trú ăn 2 bữa sáng, trưa ở trường, nên muốn bữa tối con được ăn những món hợp khẩu vị.

– Chị sắp xếp thời gian thế nào để có thể vào bếp và chăm sóc việc nhà?

– Hàng ngày, đi làm về tôi sẽ đi tập, sau đó không thay quần áo mà vào bếp luôn. Tôi mất khoảng 45ph đến 1 tiếng nấu ăn, sau đó sẽ bày lên mâm khoảng 4-5 món, món này chồng thích, món kia con thích.

Còn với tôi, đã đến lúc phải ăn kiêng rồi. Nên việc ăn uống đôi khi là để vui thôi, không câu nệ ăn nhiều ăn ít. Thấy chồng con mình ăn uống ngon miệng là vui rồi. Nấu ăn đôi khi là để giải tỏa stress vậy.

– Chị vừa nói đôi khi nấu ăn để giải tỏa stress, không biết công việc của chị hiện nay có nhiều áp lực?

– Tôi làm việc trí óc nhiều, khá vất vả. Tôi là một tuýp người tham công tiếc việc, thích được làm việc, thích được cống hiến. Đến nay, tôi hoàn toàn có thể sống an nhàn, thoải mái; nhưng nó là tính người ấy, khi chuẩn bị hết dự án này, tôi lại lo tìm một dự án mới. Tôi luôn thích cuộc sống bận rộn, có áp lực, có cường độ công việc cao.

Tôi có thời gian dài làm đại diện cho Quỹ Giáo dục Hàn Quốc ở Đông Nam Á. Bên quỹ đưa ra ý tưởng, tôi thực hiện các hoạt động như tài trợ các nhà khoa học trẻ xuất sắc của châu Á; trong đó có phần học bổng dành đào tạo nhân tài cho các nước. Tôi làm cho Quỹ ngay từ khi đang trong học kỳ cuối cùng học cao học ở Hàn Quốc.

Tầm của Quỹ rất lớn, họ tài trợ cho các forum lớn, với các nhân vật tầm cỡ tham dự như Cựu Tổng thống Mỹ Bush, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, các giáo sư, tiến sĩ đạt giải Nobel… Tôi cảm thấy may mắn khi được làm công việc ấy, được tiếp xúc với nhiều lãnh đạo, nhà khoa học lớn trên thế giới.

Tôi cũng được vợ chồng tổng thống Hàn Quốc mời ăn, được Thủ tướng Hàn quốc phê duyệt tặng bằng khen vì sự nghiệp giáo dục, vì những đóng góp trong suốt 20 năm cho sự nghiệp giáo dục Hàn Quốc nói riêng, châu Á nói chung.