Gỡ rối cùng chuyên gia: Sau ly hôn, làm gì khi bị chồng, vợ cũ cấm cản thăm con

Trong thời gian vừa qua, những vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em đã gây rúng động nhiều người. Câu hỏi được nhiều bậc làm cha mẹ đặt ra đó chính là sau khi ly hôn, nên làm gì khi bị cấm cản thăm con hoặc thấy con có dấu hiệu bị bạo hành.

0
209

Trong thời gian vừa qua, những vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em đã gây rúng động nhiều người. Câu hỏi được nhiều bậc làm cha mẹ đặt ra đó chính là sau khi ly hôn, nên làm gì khi bị cấm cản thăm con hoặc thấy con có dấu hiệu bị bạo hành. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta cùng gặp gỡ luật sư Nguyễn Thị Huế để giải đáp vấn đề này!

>> Xem thêm: Vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu: Mẹ đẻ liệu có vô can?

Chào luật sư Nguyễn Thị Huế. Nếu rơi vào trường hợp sau khi ly hôn, bị chồng cũ không cho gặp con như trường hợp mẹ ruột bé 8 tuổi nghi bị “dì ghẻ” Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành, thì chị có lời khuyên nào dành cho mọi người?

Trước hết, cần đặt ra vấn đề thỏa thuận về quyền thăm nom, chăm sóc và nuôi dưỡng con chung khi giải quyết các vụ việc ly hôn giữa vợ và chồng. Các bên nên thể hiện tinh thần thiện chí, chia sẻ trong vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Nếu không thể thỏa thuận giải quyết được, người vợ có thể để nghị Hội phụ nữ, Uỷ ban nhân dân cấp xã phường can thiệp, hỗ trợ yêu cầu chồng cũ phải thực hiện nghĩa vụ của mình không được ngăn cản, cấm đoán người mẹ thăm nom con chung. Trường hợp có căn cứ chứng minh chồng cũ không còn đủ điều kiện để nuôi con thì người vợ có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Nguyễn Võ Quỳnh Trang khi bị công an bắt giữ

Sau ly hôn, người tổn thương nhất vẫn là những đứa trẻ. Ví dụ, trường hợp đứa trẻ đó giao cho bố hoặc mẹ nuôi dưỡng, người còn lại có những quyền nào trong việc chăm sóc con?

Thứ nhất, quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn: 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”, tức là quyền và nghĩa vụ đối với con luôn đặt ra với người làm cha, làm mẹ không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha và mẹ còn tồn tại hay đã chấm dứt quan hệ vợ chồng hoặc chấm dứt quan hệ chung sống như vợ chồng hay chưa”

 Khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định pháp luật”.

Thứ hai, quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con:

Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Theo đó, khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con sẽ phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình. Mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Khi cha mẹ ly hôn, sau cùng người tổn thương nhất vẫn là con trẻ. (Ảnh minh hoạ)

>> Tin liên quan: Vụ bé 8 tuổi qua đời: “Dì ghẻ” từng tố giúp việc nạt nộ con nhưng bản thân lại hành động tàn nhẫn

Nếu phát hiện con mình có nghi vấn bị bạo hành, lời khuyên của chị dành cho các ông bố bà mẹ hay người thân trong gia đình là gì?

Khi phát hiện con mình bị bạo hành, việc đầu tiên bố hoặc mẹ cần làm là báo ngay cho chính quyền địa phương, tổ trưởng tổ dân phố, cơ quan công an cấp phường/xã biết để can thiệp kịp thời. Đồng thời yêu cầu người đang nuôi dưỡng con dừng thực hiện hành vi bạo hành, nếu cố tình tiếp diễn phải yêu cầu họ giao con cho mình nuôi. 

Trường hợp, nếu người bố, người mẹ đang trực tiếp nuôi con sau ly hôn có hành vi bạo hành với con mà cố ý giữ con không chăm sóc, tiếp tục có hành vi bạo hành thì người bố, người mẹ không được nuôi con có quyền khởi kiện đến Tòa án nơi trẻ em đang bị bạo hành để yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn. Vụ việc sẽ được Tòa án thụ lý và giải quyết theo quy định pháp luật.

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh có việc vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng chăm sóc, có hành vi bạo hành thì tòa án sẽ ra bản án quyết định giao con cho người mẹ nuôi con.

Khi cha mẹ ly hôn thì người thiệt thòi nhất là những đứa trẻ. Do vậy, cha mẹ cần thường xuyên thăm nom, quan tâm, theo dõi con để đảm bảo con luôn được sống trong môi trường phát triển tốt về mọi mặt, nếu phát hiện có điều gì bất thường cần phải can thiệp ngay trước khi quá muộn.

Nếu chẳng may cần giúp đỡ liên quan đến các vụ việc trẻ em, thì mọi người có thể liên hệ qua những kênh nào?

Đối với các vụ việc liên quan đến trẻ em, để nhận được sự giúp đỡ nhanh nhất thì mọi người có thể liên hệ đến tổ trưởng tổ dân phố, UBND xã, phường, thị trấn, Cơ quan Công an ở địa phương hoặc có thể liên hệ tới các cơ quan như:

Cảnh sát phản ứng nhanh: 113.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em: 111

Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em: 1800 1567

Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: 0243 3782 3936

Rất cảm ơn Luật sư đã tham gia vào cuộc phỏng vấn của Phụ Nữ Thế Hệ Mới. 

Nguồn: Tổng hợp

>> Có thể bạn quan tâm: Vụ bé gái nghi bị “dì ghẻ” tác động vật lý đến qua đời: Mẹ ruột cả năm không được gặp con