Để “đẹp mặt chồng”, cô vợ trẻ khoe loạt mâm cơm cuối tuần linh đình như tiệc

0
519

Có một công việc bận bịu nhưng chị Châu Khoa (Hà Nội) vẫn luôn dành thời gian riêng để chăm sóc gia đình nhỏ. Đặc biệt, nấu ăn luôn là việc chị yêu thích và chăm chút nhiều nhất.

Chị Châu Khoa chia sẻ, chồng đi công tác xa, 1 tuần về nhà 1-2 lần nên cuối tuần là dịp chị “đứng bếp” nhiều hơn cả. Khác ngày thường, cuối tuần nhà chị thường tụ tập đông đủ, từ 5 – 8 người. “Đa phần là gia đình anh chị và vợ chồng mình ở gần thường xuyên “offline” với nhau. Cũng có khi nhóm bạn bè, đồng nghiệp chơi thân với nhau khoảng 7-9 người”. Nên chị dành thời gian nấu nhiều món ngon đãi gia đình bạn bè, bởi chị cho rằng, việc đi ăn hàng sẽ hạn chế trò chuyện, hàn huyên.

Hơn nữa, nhiều lúc, một điểm nhà hàng không thể “thỏa mãn được nhu cầu của các thành viên. Chẳng hạn như người thích ăn salad, người thích ăn mặn, người thích cay, người thích món này, món khác… “Nên việc tự nấu ở nhà để mọi người quây quần vừa ngon bổ rẻ, lại có thể linh động thực đơn. Mình có thể làm phở cuốn kèm với mì spagetti, hay cả lẩu nướng…”, chị tâm sự.

Chị còn hài hước nói, ăn cơm nhà vừa đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm hầu bao so ra nhà hàng, bạn bè gia đình quây quần vui vẻ và cả để cho “đẹp mặt chồng”.

Dù là nấu cơm thường ngày chỉ có hai vợ chồng hay nấu cho bạn bè đồng nghiệp… tới chơi, chị Châu Khoa vẫn luôn giữ được tình yêu trọn vẹn trong mỗi món ăn. Chị chia sẻ, mình thường nói với mọi người rằng một bữa ăn ngon không phụ thuộc vào gia vị mắm muối, mà cốt lõi là tâm tư, tình cảm của người nấu. Người nấu vui vẻ, dành nhiều tâm huyết bữa ăn sẽ đậm đà hơn.

Tuy nhiên với chị, sự khác biệt giữa những mâm cơm các dịp này có lẽ là “bày biện”. “Tất nhiên cuối tuần có nhiều thời gian hơn, mình sẽ chuẩn bị nhiều món hơn “đổi gió” cho gia đình. Việc lên thực đơn “đổi gió” cũng không hề dễ và khó hơn khi nấu đông người”.

Chính vì thế, chị thường hay làm các món chia ra thành mùa nóng và mùa lạnh. Chẳng hạn mùa lạnh có các món lẩu (lẩu gà, lẩu vịt, lẩu Thái, lẩu riêu cua bắp bò, lẩu cá, lẩu đuôi bò, lẩu sườn sụn, lẩu thập cẩm…). Chị có thể làm được 10-12 món lẩu khác nhau hoặc món nướng thập cẩm.

Mùa nóng như hè này có sẽ có các món như phở cuốn ăn kèm salad, bún cuộn thập cẩm, sốt vang, mì spagetti ăn kèm cơm cuộn… Cũng có khi chị đổi món lạ và mới hơn chẳng hạn. “Bình thường hay làm sườn sốt chua ngọt, cuối tuần chế biến “vị khác” như sườn om măng, gà luộc thay bằng nộm gà xé phay, gà quay mật ong…”, chị bật mí.

Dù nấu ăn cuối tuần nhiều và cũng có thể coi vất vả, mất khoảng 3 tiếng (bao gồm cả nghĩ menu lên thực đơn như thế nào, mua sắm, chế biến và bày biện) nhưng chị Châu Khoa vẫn luôn rất hào hứng.

Với chị, bữa ăn là sợi dây vô hình để kết nối các thành viên trong gia đình cũng như các mối quan hệ khác xích lại gần nhau hơn. Ngày trong tuần mỗi người đều có bộn bề hơn, bữa cơm cuối tuần chính là khoảng không gian để chia sẻ: Chồng kể chuyện công ty, vợ kể chuyện bố mẹ, con cái… Bạn bè hàn huyên tình yêu tình báo, định hướng thu nhập… hay đơn giản là những câu chuyện phiếm.

“Trong thời đại “sống nhanh, ăn nhanh” đang ngày càng trở nên phổ biến, mâm cơm gia đình lại càng chứng tỏ được giá trị tốt đẹp bao đời nay: bữa cơm là nơi gắn kết, là kỉ niệm để những người con đi xa nhớ về, là sức mạnh kéo mọi thành viên trong gia đình xích lại gần nhau sau những ngày tháng quay cuồng tất bật.

Mặt khác, mâm cơm cuối tuần là nơi để bạn gói ghẹm tình yêu trong đó. Người chồng ở xa mỗi lần nhớ đến hình ảnh người vợ thức muộn hơn, dậy sớm hơn chuẩn bị mâm cơm nóng hổi cho gia đình, sẽ phần nào thấu hiểu sự đong đầy yêu thương trong đó. Chắc hẳn họ chỉ muốn quay về bên gia đình, mọi cao lương mỹ vị cũng không ngon bằng cơm vợ nấu”, chị bày tỏ.

Nguồn: Eva.vn