Có một thực trạng đáng buồn là phụ nữ sau khi kết hôn, sinh con đẻ cái thường chẳng còn giữ nhiều niềm cảm hứng với công việc. Thành ra cuộc sống nhiều phần trì trệ, bị bao bọc bởi 4 bức tường, thậm chí với những ai vẫn đi làm ở công sở thì thái độ rệu rã, uể oải.
Song bên cạnh đó, cũng không ít người phụ nữ mặc dù bị ràng buộc bởi nhiều trách nhiệm với các con nhưng vẫn cố gắng phát triển bản thân mỗi ngày để tạo ra giá trị không chỉ riêng với cá nhân mà còn cả cộng đồng. Trường hợp của Honami Yoshida tại Nhật Bản là một ví dụ như vậy. Bà mẹ bỉm sữa sinh năm 1974 có tận 5 nhóc tỳ nhưng vẫn viết sách, truyền cảm hứng tới mọi người và quan trọng hơn là tốt nghiệp thạc sĩ tại ngôi trường danh tiếng Harvard.
Sinh tận 5 con trong 8 năm trời, người mẹ Nhật Bản vẫn ôn thi cật lực để tốt nghiệp Thạc sĩ Harvard
Năm 1998, Honami Yoshida tốt nghiệp trường Đại học Y ở tỉnh Mie, sau đó đảm nhiệm vị trí thực tập sinh khoa sản và phụ khoa ở một bệnh viện quốc tế. Chưa dừng lại việc học ở đó, năm 2004, cô nhận bằng Tiến sĩ tại Trường Cao học Đại học Nagoya.
Cũng chính năm 2004, khi Honami Yoshida chạm ngưỡng 30 tuổi, cô kết hôn với một người đàn ông chuyên nghiên cứu về các dịch bệnh nguy hiểm nhất toàn cầu. Cả hai chào đón em bé đầu tiên trong năm đầu của cuộc hôn nhân tại Frankfurt (Đức). Hai năm sau, cặp đôi đón chào thiên thần thứ hai khi Yoshida làm việc ở bệnh viện phụ sản Tokyo.
Tường chừng chính thời điểm này, Yoshida sẽ lựa chọn sống an phận chăm lo cuộc sống gia đình nhưng bất ngờ thay, cô lại đưa ra quyết định tới Harvard học Thạc sĩ. May mắn cho Yoshida là cô được chồng ủng hộ hết mực. Dẫu cho văn hóa đàn ông Nhật thường muốn và có phần cưỡng chế vợ ở nhà làm nội trợ nhưng riêng với chồng Yoshida, anh cực kỳ hiểu vợ là người có tài năng và nhiều tham vọng.
Năm 2008, trước khi sang Mỹ học trường Y tế cộng đồng của Harvard, gia đình Yoshida nhận được thêm tin vui khi thiên thần thứ ba xuất hiện. Quả thực lúc này làm mẹ của đứa con 4 tuổi, 2 tuổi và 1 tháng tuổi đặt ra rất nhiều thách thức lớn cho cô. Chồng Yoshida cũng sang Boston để theo học Đại học. Niềm vui vẫn chưa dừng lại khi thời gian này, vợ chồng cô đón thiên thần thứ tư.
Hết 2 năm học ở Harvard, Yoshida cùng cả gia đình quay lại Nhật Bản. Cô tham gia vào các hoạt động hỗ trợ chăm sóc phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh với tư cách là bác sĩ sản phụ khoa. Việc làm này hết sức ý nghĩa trong bối cảnh Nhật Bản vừa trải qua đại thảm họa động đất sóng thần 2011.
Ngoài việc đem đến công chúng các bài giảng, bài viết hay phỏng vấn hữu ích về cách nuôi dạy trẻ, quản lý thời gian, phát triển bản thân, Yoshida còn xuất bản cuốn sách với nội dung “Hãy làm mọi thứ vì bạn chẳng có nhiều thời gian đâu!”.
Các mẹ bỉm sữa tại Nhật Bản lúc ấy còn cực kỳ ngưỡng mộ Yoshida bởi lẽ tới tháng 11/2013, cô sinh đứa con thứ 5. Tổng kết lại, gia đình cô có một người con trai và 4 cô con gái xinh xắn, khỏe mạnh.
Không chỉ cần sức mạnh nội tại, vũ khí lớn nhất của phụ nữ chính là người chồng tốt
Trong các bài báo, Yoshida không quên kể về người chồng mình với sự tự hào to lớn. Cô từng chia sẻ: “Khi mang thai đứa thứ ba, tôi bận rộn để ôn thi vào Harvard tới nỗi quên mất trong bụng mình có em bé. Có một bí quyết, đó là người chồng luôn ở bên cạnh để san sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái.”
Quả thực, việc di chuyển giữa Mỹ – Nhật Bản đặt ra một thách thức lớn, nhất là khi đàn ông Nhật Bản thường muốn xây dựng sự nghiệp ổn định, bền vững và đôi khi gay gắt với chuyện vợ theo học lên cao. Thời gian đầu, Yoshida cũng rất chật vật để có thể cùng chồng trang trải sinh hoạt phí. Tiền bảo hiểm, tiền nhà, tiền trông trẻ… rất nhiều thứ dồn lên hai vợ chồng. Nhất là khoản học phí tại Harvard rơi vào khoảng 36.000 USD/năm (830 triệu đồng).
Hai vợ chồng thay vì căng thẳng, cãi vã đã quyết định sẽ giải quyết từng vấn đề một. Với trình độ cao, nhiều kinh nghiệm, cũng chẳng khó để chồng Yoshida tìm được công việc phù hợp. Ngoài ra, họ còn đi xin trợ cấp, học bổng để trang trải phần nào sinh hoạt.
Đằng sau sự thành công của người phụ nữ là một người chồng luôn thấu hiểu, sẻ chia trách nhiệm.
Người chồng luôn đồng hành, ủng hộ vợ từ những việc nhỏ nhất, chẳng hạn như đi học tại thư viện. Đây cũng là cách để chồng Yoshida có thể đưa các con ra ngoài. Anh sẽ cố gắng chăm con thật khéo để không gây ồn và làm phiền tới vợ đang học bài ôn thi.
Honami Yoshida là minh chứng cho việc chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu, cũng như đừng nghĩ mọi chuyện đều bất khả thi trên đời, chỉ là bạn đủ dũng khí và quyết tâm để theo đuổi hay không mà thôi.
Theo Nhịp sống việt