Vở kịch Sài Gòn công diễn tại Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp

0
326

Vở kịch Sài Gònsẽ được biểu diễn vào ngày 21 và 22/9 tới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm nhằm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp.

Thời gian :

21.09.2018 – 18h30
22.09.2018 – 15h30
Địa điểm : Nhà hát Bến Thành – 6 Mạc Đĩnh Chi, Q.1
Giá vé :
1 300 000 VND – 900 000 VND – 500 000 VND – 300 000 VND
150 000 VND dành cho học sinh và sinh viên
Vé bán tại : https://goo.gl/f8eH7X

Sau tiếng vang lớn tại Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon vào mùa hè năm 2017, vở kịch “Sài Gòn” liên tục công diễn và được khán giả chào đón nồng nhiệt tại các nhà hát danh giá trên thế giới. Vở kịch kể lại cuộc đời của những người Pháp, người Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm. Đó là một cuộc du hành trong không gian và thời gian, từ Việt Nam qua Pháp, từ năm 1956 – khi những người Pháp cuối cùng tại Sài Gòn về nước đến năm 1996 – khi Việt Nam cho phép những người Việt kiều về thăm quê hương.

Mọi việc diễn ra trong một nhà hàng Việt Nam tại Sài Gòn vào năm 1956 hay tại quận 12 Paris vào năm 1996, nơi có nhiều người Việt Nam xa xứ đến sinh sống. Nhà hàng này cũng giống rất nhiều nhà hàng Việt khác ở Pháp:  trang trí bình dân, hoa cắm nhiều màu sắc với một dàn karaoké. Nhà hàng là nơi sẻ chia những câu chuyện riêng tư của những con người đã từng trải qua những giai đoạn quan trọng của lịch sử. Đó là câu chuyện của hai người yêu nhau mà phải chia ly, của một anh lính Pháp yêu một cô gái Việt và đưa cô về Pháp, của người con lai và mẹ mình…

Nữ đạo diễn sân khấu Caroline Guiela Nguyen đã tập hợp 11 diễn viên Pháp, Việt và Việt kiều cho vở diễn. Thế là bắt đầu một vở kịch đa âm sắc kể lại những câu chuyện về tình yêu, về cuộc sống tha hương nhuốm màu lãng quên và hoài niệm. Cô chia sẻ: “Tôi không muốn nói về họ mà muốn để họ tự kể câu chuyện của chính mình”. Cô kéo chúng ta vào thế giới của những con người đã “gặp nhau, yêu nhau và bị lịch sử lãng quên từ 60 năm nay” để cùng viết thành một câu chuyện chung.

Sự hình thành của vở kịch

Sau khi đã thực hiện nhiều vở kịch kinh điển, Caroline Guiela Nguyen muốn sáng tác vở kịch “Sài Gòn”. Cô chia sẻ: “Tôi chợt hiểu là những câu chuyện và những con người về thế giới đương đại còn ít được khai thác. Tôi muốn khán giả nghe được âm thanh của thế giới xung quanh chúng ta.”

“Vở kịch “Sài Gòn” không mang tính tự truyện cũng không nói về thời kỳ thuộc địa” nhưng nó lại liên quan đến câu chuyện của riêng cô : mẹ cô là người gốc Việt và nhiều người trong gia đình cô đã di cư sang Pháp.

Để xây dựng nên vở diễn này, Caroline Guiela Nguyen cùng các cộng sự đã đến TP.HCM năm 2015 và 2016 trong khuôn khổ chương trình Nghệ sỹ lưu trú Villa Saigon do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức.

Trong suốt thời gian này, họ đã tìm hiểu và cảm nhận Việt Nam. Họ đã quay phim, chụp hình, phỏng vấn, ghi lại cảm xúc… Họ cũng đã tham khảo các tài liệu lưu trữ và nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương.
Sau đó họ cũng đã đi tìm hiểu về cộng đồng người Việt ngay tại Paris.

Cùng sáng tác kịch bản

Caroline Guiela Nguyen và các diễn viên đã cùng sáng tác kịch bản theo phương pháp “ứng tác”. Mọi người không làm việc với một kịch bản có sẵn. Các diễn viên đã ứng tác trên sân khấu để tự đặt lời thoại cho vai diễn của chính mình.

Thế là Caroline Guiela Nguyen bắt tay vào việc chọn diễn viên cho vở “Sài Gòn”. Họ là người Pháp, người Việt và người Pháp gốc Việt. Chính khuôn mặt, cơ thể, trí tưởng tượng, những câu chuyện, ngôn ngữ… của họ mới làm cô quan tâm và dẫn dắt cô vào quá trình sáng tác vở kịch.

Ngôn ngữ thoại

Những vấn đề về ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong vở kịch. Tác phẩm thể hiện lại câu chuyện của những người Việt Nam sang định cư tại Pháp. Khi trở lại đất nước mình, họ nhận ra rằng mình nói một thứ tiếng Việt lỗi thời. Hay đó là câu chuyện về những người có biết chút ít tiếng Pháp nhưng tiếng Việt lại bị mai một, khiến họ khó diễn đạt một cách trọn vẹn những nỗi đau của mình.

Đối với Caroline Guiela Nguyen, việc các diễn viên tự đặt lời thoại cho vai diễn của mình là rất quan trọng. Mỗi người đều có một cách diễn đạt riêng cũng như những trải nghiệm riêng. Ví dụ, diễn viên Trần Nghĩa Hiệp nói tiếng Pháp, nhưng tiếng Pháp của Hiệp hẳn là khác so với tiếng Pháp của Pierric, một diễn viên người Pháp.

Cảnh trí : từ thực tại đến sân khấu

“Đối với vở Sài Gòn, mọi người đã nhanh chóng quyết định là mọi câu chuyện sẽ diễn ra trong khung cảnh là một nhà hàng Việt Nam. Ở đâu và khi nào thì chúng tôi sẽ cùng xác định. Đối với dự án này, chúng tôi thấy cần phải đến Việt Nam để hiểu và cảm nhận đất nước này. Chúng tôi dành nhiều thời gian để phỏng vấn, quay phim, thu âm, chụp ảnh, vẽ, viết. Chúng tôi cũng đi tìm trong tài liệu lưu trữ và tìm thông tin về lịch sử Đông Dương.

Sau đó chúng tôi cũng đã đi tìm hiểu về cộng đồng người Việt ngay tại Paris. Chúng tôi đã chia sẻ tất cả chất liệu này với các diễn viên, họ đã giúp chúng tôi xây dựng vở diễn.

Người Việt tại Pháp dường như muốn khẳng định bản sắc Việt Nam hơi quá mức. Tôi thấy nỗi nhớ quê hương được nuôi dưỡng trong một quán ăn như thế nào, người ta tái hiện ở đó một mảng Việt Nam như thế nào, đó là nơi làm người ta có thể quên rằng mình đang ở Pháp, vậy mà nơi đó lại chẳng giống chút nào những quán ăn chúng tôi đã nhìn thấy tại Việt Nam.”,  Alice Duchamp, chuyên gia phối cảnh của đoàn kịch Les Hommes Approximatifs cho biết.

“Sài Gòn” thành công rực rỡ

Sau khi được khán giả và giới phê bình chào đón nồng nhiệt tại Liên hoan sân khấu Avignon lần thứ 71, “Sài Gòn” đang lưu diễn quốc tế qua nhiều thành phố: Paris, Lyon, Berlin, Amsterdam, Bắc Kinh, Thượng Hải, Stockholm… Sau thành phố Hồ Chí Minh sẽ là Rome, Vilnius và nhiều thành phố châu Âu khác.

Vở diễn cũng đã vinh dự đón tiếp một số vị khán giả đặc biệt như Phu nhân Tổng thống Pháp Brigitte Macron hay Ông Nguyễn Thiệp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp. Ông Thiệp đã đến xem vở diễn tại nhà hát Odéon và nồng nhiệt chúc mừng nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyen.

Caroline Guiela Nguyen

Caroline Guiela Nguyen là người Pháp, có mẹ là người Việt Nam. Cô là một đạo diễn sân khấu còn trẻ nhưng rất tài năng.

Sau khi học về xã hội học và nghệ thuật biểu diễn, Caroline Guiela Nguyen theo học ngành đạo diễn sân khấu Trường Sân khấu quốc gia Strasbourg. Tại đây, cô đã gặp gỡ những cộng sự tương lai của cô trong đoàn kịch “Les Hommes Approximatifs” được thành lập vào năm 2009.

Năm 2016, cô đã được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn Chương và được đề cử giải thưởng Molières năm 2015 cho tác phẩm “Elle brûle” và năm 2018 cho tác phẩm “Sài Gòn”.

Cô là nghệ sỹ thường trực của Nhà hát Odéon, nhà hát Châu Âu, Nhà Văn hóa MC2 Grenoble và là thành viên của nhóm nghệ thuật La Comédie de Valence thuộc Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Drôme-Ardèche.

“Sài Gòn” không phải là một cuốn tự truyện của Caroline Guiela Nguyen. Vở kịch không kể về cuộc đời của mẹ cô. Cô chia sẻ: “Điều làm tôi quan tâm, đó là kể về những câu chuyện ít khi được nhắc đến. Đó là câu chuyện về những người Việt Nam sang Pháp năm 1956 và chỉ trở về quê hương năm 1996. Tôi không đặt mình vào vị trí của những người Việt Nam trong vở kịch này mà hoàn toàn nhìn từ góc độ của người Pháp.”

Các diễn viên trong “Sài Gòn”

Dan Artus (trong vai Edouard)

Sinh năm 1974, tốt nghiệp Trường Sân khấu quốc gia Bretagne, Dan Artus là diễn viên, biên kịch và đạo diễn sân khấu. Anh đã hợp tác với Vincent Macaigne trong nhiều vở diễn và đã tham gia diễn xuất trong các vở kịch của Irène Bonnaud, Guillaume Delaveau, Aurélia Guillet, Jacques Nichet, Lucie Berelowitsch, Célie Pauthe… “Sài Gòn” là vở kịch thứ 2 anh hợp tác cùng Caroline Guiela Nguyen sau vở “Le Chagrin” (2015).

Pierric Plathier (trong vai Antoine)

Sinh năm 1984, Pierric là diễn viên, ca sỹ và nhạc công. Anh đã tham gia diễn xuất trong nhiều vở kịch của Caroline Guiela Nguyen như “Le Bal d’Emma“ hay “Elle brûle“ (2013). Anh đã diễn trong các vở La Ménagerie de verre của Tennessee Williams được dàn dựng bởi Daniel Jeanneteau (2016), Les Géants de la montagne của Luigi Pirandello được dàn dựng bởi Stéphane Braunschweig (2015), Le Pas de Bême theo Michel Vinaver được dàn dựng bởi Adrien Béal (2014).

Adeline Guillot (trong vai Cécile)

Sinh năm 1984, tốt nghiệp trường Sân khấu quốc gia Strasbourg, chuyên ngành diễn xuất. Khi còn là sinh viên, cô đã tham gia diễn xuất trong các vở kịch Andromaque, Macbeth theo Shakespeare và Heiner Müller và Anaïs Nin do Caroline Guiela Nguyen dàn dựng. Cô cũng tham gia sáng tác các vở kịch đương đại khác như Sous l’armure của Catherine Anne được dàn dựng bởi Christian Duchange (2016) và Peter Pan theo James Matthew Barrie (2014).

Maud le Grevellec (trong vai bà Gauthier)

Được đào tạo tại Nhạc viện quốc gia Vùng Lorient và sau đó học tại Viện Sân khấu tại Rennes, Maud le Grevellec theo học tại Trường Quốc gia Sân khấu Strasbourg. Sau đó, cô đã tham gia đoàn kịch của Stéphane Braunschweig trong 3 năm. Cô đã làm việc cùng đoàn kịch Le Groupe Incognito để cùng sáng tác vở Cadavres Exquis do Catherine Tartarin khởi xướng. Cô đã tham gia diễn xuất trong hơn ba mươi vở kịch, trong đó có Comme il vous plaira (William Shakespeare) – Christophe Rauck – Malakoff.

Trần Nghĩa Hiệp (trong vai Hào năm 1996)

Trần Nghĩa Hiệp sinh năm 1942, tại Tây Ninh. Ông đến Pháp vào năm 1964, là chồng của diễn viên Trần Nghĩa Ánh. Ông Hiệp đã từng là kỹ sư tin học. Đồng thời, ông cũng tham gia diễn xuất trong các bộ phim Đông Dương của Régis Warnier (1992) và Điện Biên Phủ của Pierre Schoendoerffer (1992). Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục theo đuổi điện ảnh và kịch nghệ bằng cách tham gia diễn xuất trong các tác phẩm On ne choisit pas sa famille của Christian Clavier (2011), Le Bal des Actrices của Maïwenn (2007), Poids Léger của Jean-Pierre Améris (2003) và một vài vở diễn khác.

Trần Nghĩa Ánh (trong vai Marie – Antoinette)

Sinh tại Tây Ninh vào năm 1944, bà Trần Nghĩa Ánh đã đến Pháp vào năm 1968. Chồng bà là diễn viên Trần Nghĩa Hiệp. Bà có một nhà hàng Việt tại Laon, tỉnh Aisne từ năm 1979 đến 1990. Bà cũng là diễn viên và đã đóng trong một số phim như Christian Clavier (2011), Le Bal des Actrices của Maïwenn (2007), Poids Léger của Jean-Pierre Améris (2003)…

Nguyễn Thị Mỵ Châu (trong vai Linh năm 1996)

Sinh năm 1952 tại Sài Gòn, Mỵ Châu đã đến Pháp vào năm 1969.

Vào năm 32 tuổi, bà đã quyết định trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Bà đã theo học ngành sân khấu, hát và múa đương đại. Bà đã tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim như Avant le repas của Fabien Tran Minh (2015), Le Bal des Actrices của Maïwenn (2007), Poids Léger của Jean-Pierre Améris (2003) và trong nhiều bộ phim truyền hình như Strictement platonique (Michel Catz) hay Little Wenzhou (Sarah Lévy).

Nguyễn Phú Hậu (trong vai Linh năm 1956)

Hậu sinh năm 1992. Năm 24 tuổi, cô quyết định theo học tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh tại TPHCM. Chỉ mới sau 3 tuần học, cô đã được Caroline Guiela Nguyen chú ý và được giao đóng vai một cô gái trẻ đang yêu trong vở “Sài Gòn”.

Huỳnh Thị Trúc Ly (trong vai Mai)

Sinh năm 1995 tại TPHCM, Huỳnh Thị Trúc Ly vừa mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM vào năm 2018. Năm 2016, cô đã được Caroline Guiela Nguyen chọn cho vở “Sài Gòn”. Trước vở diễn này, Ly đã tham gia diễn xuất trong một số vở của Nguyễn Hữu Tiến và Tiến Thành, dưới sự dẫn dắt của Trịnh Kim Chi.

Lê Hoàng Sơn (trong vai Hào năm 1956)

Sinh năm 1995 tại Trà Vinh, Lê Hoàng Sơn vừa mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM vào năm 2018. Khi còn là sinh viên, Sơn đã là thành viên của đoàn kịch Euripides và Cầu Vồng. Năm 2016, Sơn đã được Caroline Guiela Nguyen tuyển chọn cho vở “Sài Gòn”.

Tô Thị Thanh Thư (trong vai Lam)

Sinh năm 1994 tại Dak Lak, Tô Thị Thanh Thư tốt nghiệp ngành Biên phiên dịch tiếng Pháp tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM vào năm 2016. Lúc đầu, Thư tham gia dự án “Sài Gòn” với tư cách là biên phiên dịch. Sau đấy, cô tham gia diễn xuất. Cô là nhân vật đọc dẫn chuyện trong vở diễn.

Với sự hỗ trợ của :

Nhà tài trợ Premium: Air France và Vietnam Airlines

Nhà tài trợ Main Partners: Đại Nam, BNP Paribas Việt Nam, Tuần Châu, LYNK, Vạn Vượng, Thuận Gia, Ms. Valencia Trần & Thea Aesthetic Clinic, Nam Thái Bình Dương

Nhà tài trợ Official Contributor: HUM Việt Nam, Total Việt Nam, Đô Thành, Central Group, Nhật Minh Dương, Cao Fine Jewellery, Hoa Binh Construction Group, Jet Dentist, Đại Việt Toàn Cầu, Nhà báo Lương Ngọc Hân, Nhà hàng Nga cùng các vị mạnh thường quân khác.