Theo đó, trước đây người dân không đi lễ vào mùng 10/3 âm lịch mà tự chọn ngày tốt để đến dâng lễ vua Hùng. Thời điểm nhiều người đi nhất thường rơi vào cuối mùa xuân. Do không có ngày lễ cố định nên thời gian lễ bái kéo dài liên miên suốt cả năm, không tỏ rõ được lòng thành của nhân dân Việt đối với các vị vua Hùng.
Năm 1917 niên hiệu Khải Định năm thứ nhất, Tuần Phủ Phú Thọ – ông Lê Trung Ngọc đã dâng bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày 10/3 âm lích hàng năm để nhân dân dâng lễ tới Quốc tổ Hùng Vương. Đồng thời, ông cũng xin cho miễn trừ cho người dân các khoản đóng góp cho các dịp tế lễ. Sau đó, Bộ Lễ đã ban hành công văn chính thức lấy ngày 10/3 âm lịch làm ngày quốc lễ giỗ tổ Hùng Vương, đồng thời quy định các nghi thức, nghi lễ chung.
Năm 1923, Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ đã lập và dựng bia tại đền Thượng – Khu di tích đền Hùng với nội dung: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”.
Theo TS Văn hóa học Trần Long, người Việt ta coi trọng nhất 3 dạng lễ hội sau: Lễ hội nghiêng về tín ngưỡng tôn giáo, Lễ hội tự nhiên và Lễ hội thờ cúng các anh hùng dân tộc. Trải qua nhiều năm, Lễ hội thờ cúng các anh hùng dân tộc, những người có công dựng nước và giữ nước vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát triển, điều này đã thể hiện được nhiều truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam.
Theo TravelMag