Những ông bố nghỉ làm ở nhà trông con mà vẫn có tiền tại Hàn Quốc

Nhiều ông bố ở Hàn Quốc quyết định viết đơn nghỉ phép dài ngày để ở nhà trông con nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành.

0
228

Anh Choi Sang-min (37 tuổi), ông bố của đứa con 9 tháng tuổi, sinh sống ở thành phố Gwangju vô cùng bất ngờ trước việc ông chủ công ty dễ dàng đặt bút ký vào tờ xin nghỉ phép theo chế độ của cha mẹ mà anh Choi đã đệ trình.

“Tôi không nghĩ chuyện này được chấp nhận dễ dàng. Bởi tôi từng nghe về chuyện việc một nam đồng nghiệp từng nộp đơn nghỉ cách đây vài năm, anh ta đã bị ông chủ gọi vào phòng và mắng cho một trận”, Yonhap dẫn lời anh Choi.

Những ông bố nghỉ làm ở nhà trông con mà vẫn có tiền tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều nam nhân viên ở Hàn Quốc xin nghỉ phép để ở nhà trông con. (Ảnh: Yonhap)

“Trong khi mọi chuyện tôi phải làm chỉ là tới văn phòng và nói chuyện với ông chủ, sau đó viết giấy nghỉ phép và được chấp thuận”, anh Choi nói.

Chuyện này tương tự như những gì anh Yoon Hyo-suk, người cha của 2 đứa con, trải qua. Theo đó, anh Yoon đã xin nghỉ phép 1 năm tại công ty quảng cáo ở Seoul vào tháng 7/2019 để tiếp nhận nhiệm vụ trông con từ vợ mình. Vào thời điểm anh Yoon xin nghỉ phép, 2 đứa con của anh đã 2 và 5 tuổi.

“Dĩ nhiên, một vài người can ngăn tôi và cũng không ít lời đàm tiếu về việc tại sao một người đàn ông lại nghỉ việc để ở nhà trông con. Tôi nhận ra rằng có nhiều người đàn ông giống như tôi quyết định nghỉ việc và trở lại công ty 1 năm sau đó. Điều này dần trở thành lịch trình”, anh Yoon chia sẻ.

“Tôi muốn mình hiểu rõ con hơn, muốn biết chúng thích hay không thích cái gì và có cơ hội gần gũi con hơn. Đây là điều mà bạn không thể học được từ bất cứ ai hay từ bất cứ đâu”, anh Yoon nhấn mạnh.

Việc các ông bố chọn phương án tạm nghỉ việc để ở nhà trông con không còn là điều gì đó đặc biệt ở Hàn Quốc. Quyết định nghỉ việc của họ ngày càng được các ông chủ dễ dàng chấp thuận, bởi số trường hợp như này đang ngày càng gia tăng. Nguyên nhân xuất phát từ việc tư tưởng của nam giới Hàn Quốc nay đã thay đổi và họ muốn tham gia tích cực vào quá trình nuôi dạy con. Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với người lao động.

Dữ liệu từ Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cho thấy, 27.423 nam nhân viên đã làm cha ngoại trừ những người làm việc trong ngành dịch vụ công và giáo dục, xin nghỉ phép dài ngày vào năm 2020. Con số này tăng 23% so với năm 2019.

Cụ thể, số đơn xin nghỉ phép của các ông bố chiếm 24,5% trong tổng số đơn nghỉ phép theo chế độ của cha mẹ. Trong khi vào năm 2017, con số này chỉ là 13,4%. Tình trạng nhiều ông bố đi làm nhưng xin nghỉ phép dài ngày gia tăng trong năm 2020 được cho xuất phát từ nhu cầu chăm sóc con trẻ giữa thời dịch Covid-19.

“Đối với nhóm người trẻ tuổi, việc nuôi dạy con không còn bị người chồng xem là hỗ trợ vợ mà đây là trách nhiệm mà 2 người cùng chia sẻ và đảm nhận”, ông Kwon Me-kyung, nhà nghiên cứu tại Viện Giáo dục và Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc (KICCE) cho hay.

Theo nghiên cứu gần đây của KICCE, 18,6% trong 1.000 cặp đôi đã có 1 hoặc hơn 1 con cho biết, người bố đã xin nghỉ ở nhà chăm con hoặc có ý định làm như vậy. Trong số này, những ông bố trong độ tuổi 20 chiếm 30,4%, 23,6% với những người trên 30 tuổi và 14,2% với nhóm trên 40 tuổi.

Đối với anh Choi, quyết định nghỉ việc ở công ty để về nhà trông con là hoàn toàn tự nguyện.

“Vợ tôi từng rất vất vả một mình chăm con, bởi gia đình chúng tôi chỉ là 1 nguồn thu nhập. Nhưng tôi muốn mình cũng được tham gia vào quá trình nuôi dạy con. Do đó, tôi đã có sự chuẩn bị tài chính cho khoảng thời gian nghỉ việc”, anh Choi cho biết.

Nghỉ phép vẫn được nhận tiền hỗ trợ

Lần đầu tiên Hàn Quốc ban hành chế độ nghỉ phép cho cha mẹ vào năm 1987, nhưng chỉ áp dụng cho người mẹ có con dưới 1 tuổi. Tới năm 1995, chế độ này được thay đổi và áp dụng với cả người cha. Nhưng chương trình trợ cấp cho cha mẹ nghỉ việc ở nhà trông con mới được hoàn thiện vào giữa những năm 2000.

Nhằm khuyến khích người dân tham gia chế độ nghỉ phép của cha mẹ, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành “hệ thống thưởng” vào năm 2014 khi đưa ra mức hỗ trợ hàng tháng cao hơn nếu như người vợ/chồng là người thứ 2 trong gia đình viết đơn xin nghỉ phép, sau khi người thứ nhất đã dùng hết quỹ thời gian nghỉ phép.

Cụ thể, vợ/chồng khi là người thứ 2 tham gia chế độ nghỉ phép của cha mẹ có thể nhận được khoản hỗ trợ 2,5 triệu won (2.260 USD) hàng tháng trong 3 tháng đầu tiên. Trong khi, người bố hoặc người mẹ là người đầu tiên trong gia đình xin nghỉ phép sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu won/tháng.

Thậm chí, kể từ tháng 2/2020, người bố và mẹ còn được phép cùng nghỉ phép một lúc. Còn từ năm 2022, số tiền hỗ trợ 3 tháng đầu tiên nghỉ phép sẽ tăng lên 3 triệu won cho mỗi cha/mẹ xin nghỉ phép ở nhà trông con.

“Mục tiêu của chính sách là hỗ trợ phụ nữ sinh thêm con, cũng như giúp họ duy trì được sự cân bằng giữa công việc và gia đình, đồng thời tăng thêm phúc lợi cho người cha khi tham gia vào quá trình nuôi dạy con”, ông Jung Jae-hoon, Giáo sư nghiên cứu phúc lợi xã hội tại Đại học Nữ Seoul cho hay.

Theo quy định hiện hành, những ông bố làm việc trong lĩnh vực tư nhân đã có 1 hoặc trên 1 con dưới 9 tuổi hoặc chưa học tới lớp 3 của cấp tiểu học, sẽ được áp dụng chế độ nghỉ của bố mẹ lên tới 12 tháng.

Cũng theo số liệu từ Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, năm 2020 là năm chứng kiến dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, và số lượng nam nhân viên xin nghỉ làm ở nhà trông con gia tăng nhanh. Theo đó, trong nửa đầu năm 2020, số nam nhân viên nộp đơn xin trợ cấp trong giai đoạn thực hiện chế độ nghỉ của cha mẹ tăng 52,8% lên con số 7.338 người.

Theo Infonet