Đất nước 3 triệu cụ già nghèo, chật vật tự kiếm sống
Hàn Quốc là đất nước dân số già. Họ có tổng dân số rơi vào khoảng 51 triệu người, trong đó có 15,7% là người trên 65 tuổi, tức khoảng 8,12 triệu người. Vì tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc rất thấp, chỉ đạt tỷ suất sinh 1,1 (thấp nhất thế giới), dự đoán đến năm 2060, số lượng người già sẽ chiếm hẳn 40% tổng dân số.
Văn hóa truyền thống của Hàn Quốc kính lão, đề cao chữ hiếu. Con cái và xã hội có trách nhiệm quan tâm, lo lắng cho người già. Hàn Quốc lại là quốc gia tương đối giàu có, thu nhập bình quân $30.644/người/năm (tương đương 710 triệu vnđ). Thế nhưng cũng chính tại đây, có tới gần một nửa các cao niên (khoảng 3 triệu người) đang phải sống trong cảnh nghèo khó.
Hàn Quốc cũng có truyền thống ở theo kiểu đại gia đình. Song kể từ khi bước sang thế kỷ XXI, lượng hộ đại gia đình của Hàn Quốc ngày càng giảm. Vào năm 2016, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (The Organisation for Economic Co-operation and Development – OECD) từng lập số liệu thống kê về người già ở Hàn Quốc. Họ cho biết, có tới 25% các cụ sống một mình.
Bắt đầu từ năm 1980, Hàn Quốc áp dụng chính sách lương hưu, trả khoảng 200.000 won/tháng (tương đương 4,1 triệu vnđ). Tuy nhiên, khoản hưu trí này chỉ dành cho những lão niên từng làm công ăn lương, đáp ứng yêu cầu thâm niên trước khi nghỉ hưu.
Theo báo cáo vào năm 2015 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea), có tới 58,5% người cao tuổi phải tự kiếm tiền, trang trải sinh hoạt phí. Tới năm 2018, tỷ lệ này có giảm, nhưng vẫn ở mức 43,4%, gấp 3 lần trung bình của các nước OECD.
Vì đã hết tuổi lao động, các cao niên Hàn Quốc chỉ có thể xin các công việc không ai muốn làm, ví dụ như dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải… và tình nguyện lượm ve chai, nhặt bìa các tông.
Người già kéo xe, gom ve chai khắp các ngõ ngách Thủ đô
Vào tầm giữa tháng 2, Hàn Quốc đang chìm trong mùa đông buốt giá, nhiệt độ liên tục giảm xuống dưới 0 độ C. Bất chấp con phố nửa đêm vắng tanh, lạnh ngắt, Lee Deok-ja (74 tuổi) cặm cụi kéo chiếc xe thồ 2 bánh. Bà đi một vòng phường Deungchon-dong, gom các đống bìa các tông trước các cửa quán xá, chất lên thùng xe.
“Đây là vòng thứ 3 trong ngày hôm nay,” – Deok-ja kể. Mỗi vòng, tôi kiếm được từ 1000 – 3000 won (tương đương 20.000 – 60.000 VNĐ) và mỗi ngày là khoảng 10.000 – 15.000 won (tương đương 200.000 – 300.000 VNĐ)”.
Deok-ja bắt đầu lượm bìa các tông từ 5h sáng cho tới tận 6h chiều. Nếu nhặt được quá ít, bà bắt buộc phải thức đêm đi nhặt thêm. Trong khi đó, mức lương tối thiểu của người đi làm ở Hàn Quốc đã là 8.720 won/h (tương đương 180.000 VNĐ).
“Tôi có 4 đứa con, nhưng không nhận được khoản trợ cấp nào từ chúng cả. Bản thân tôi cũng không muốn trở thành gánh nặng của con cái. Trừ khi cái thân già này không lê đi được nữa, còn không thì tôi vẫn tiếp tục kéo xe kéo, lượm lặt ve chai,” – Deok-ja kể thêm.
Chí ít, trong Seoul cũng có khoảng 60 cao niên nhặt bìa các tông như Deok-ja. Ngoại trừ bìa các tông, họ còn thu lượm tất cả các loại rác có khả năng tái chế, bán cho các xưởng thu gom.
“Trên cả nước, người cao tuổi có thu nhập thường xuyên từ lời lãi tài chính hoặc bất động sản là dưới 10%,” – Kim Bum-jung, giáo sư Đại học Chung-Ang cho biết. “Lượng người già có quỹ hưu trí thì chỉ chiếm khoảng 40%, và lương hưu cũng không quá 300.000 won/tháng (tương đương 6 triệu vnđ).”
Hàn Quốc là đất nước đắt đỏ, từ chi phí ăn đến ở đều cao ngất, đặc biệt là trong các thành phố lớn. “Mặc dù chúng tôi có nền kinh tế phát triển đứng thứ 10 toàn cầu, nhưng tỷ lệ người cao tuổi nghèo vẫn lớn nhất OECD,” – Bum-jung buồn rầu.
Thế hệ bị lãng quên, trẻ đã không sướng, về già lại càng khổ
Cao niên Hàn Quốc là những người sống sót qua nhiều cuộc chiến tranh và khủng hoảng kinh tế. Kể từ khi thành lập vào năm 1945, Hàn Quốc phải trải qua thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, nội chiến, khủng hoảng tài chính châu Á 1997… “Họ đã đổ mồ hôi, xương máu để xây dựng lên đất nước này, và bây giờ họ sống trong khốn khổ,” – Lee Ho-Sun, giáo sư ĐH Korea Soongsil Cyber đau lòng.
“Người cao tuổi Hàn Quốc luôn nghĩ, cống hiến cho đất nước là chuyện đương nhiên và không bao giờ đòi hỏi được đền đáp,” – Ho-Sun tiếp tục. “Vì thế, dù gặp nhiều khó khăn, họ không kêu ca mà nhẫn nại chịu đựng tất cả”.
Như đối với đất nước, các cao niên Hàn Quốc cũng chỉ hy sinh cho con cái chứ không đòi hỏi sự trả công. Hầu hết người già Hàn Quốc đều tự kiếm sống. Những người già nghèo khó rất e sợ làm phiền con cái, không dám nhận trợ cấp, thậm chí không dám liên lạc.
“Điều khiến tôi sợ nhất là trở thành gánh nặng của các con,” – Yim (86 tuổi) bộc bạch. Suốt cả đời, bà cần mẫn làm việc, không quản ngại vất vả nuôi 5 đứa con ăn học thành tài. Sau khi xin được việc và kết hôn, các con của bà có cuộc sống ấm êm trong các thành phố lớn. “Thỉnh thoảng, chúng cũng đưa các cháu về thăm tôi, nhưng luôn đến và đi luôn cả đám. Lũ cháu nhỏ chê chỗ tôi ở có gián, làm tôi thấy thật tủi và buồn,” – Yim cười khổ.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị