Nấu canh dùng nước mắm bị em chồng mỉa mai “vị nhà quê”, tôi nhẹ nhàng mời mẹ chồng nếm thử và cái kết khiến cô ta bẽ bàng

0
211

Tôi vừa cho nước mắm và nồi canh chua thì cô em chồng đang lảng vảng quanh đấy bất ngờ tru tréo lên: “Chị cho nước mắm vào canh á? Ngửi đã thấy vị nhà quê rồi”.

Tôi vốn là con gái tỉnh lẻ, sau này đi học đại học và ở lại thành phố làm việc. Mặc dù mức lương của tôi rất cao, cũng là người có tiếng nói trong công ty nhưng mỗi lần bị ai nói kiểu “đồ nhà quê”, “mấy đứa tỉnh lẻ” tôi lại rất bực bội.

Và những lần thế tôi cũng chẳng bao giờ im lặng, tranh cãi tới cùng đến khi đối phương phải ngậm miệng vì tức thì thôi. Tính tôi là thế, khá thẳng thắn, bộc trực và đanh đá.

Sau gần 4 năm cày cuốc, tôi cũng tự tậu được một căn chung cư thuộc dạng cao cấp, tiện nghi và xịn sò. Đương nhiên, tôi tự hào lắm. Còn mẹ tôi thì lại lắc đầu, bảo: “Con gái cố sống cố chết tiết kiệm tiền mua nhà làm gì. Mai này lấy chồng theo chồng, chứ con định mua sẵn nhà rước nó tới ở à? Mẹ thấy tính mày cứ cố chấp và gàn dở thế, chỉ thiệt thân. Con gái phải tỏ ra yếu đuối, mềm mỏng, nhẹ nhàng 1 chút. Như vậy con trai họ mới muốn che chở”.

Tôi phì cười trước suy nghĩ của mẹ: “Mẹ ơi, con gái mà cứ trông chờ vào chồng thì kiểu gì cũng bị coi thường. Con không muốn như thế. Và mẹ cũng yên tâm, chồng tương lai của con nhất định không phải gã tầm thường, kém cỏi, tới căn hộ chung cư cũng không mua nổi đâu”.

Đúng như những lời tôi nói với mẹ, 1 thời gian sau thì tôi quen Thái. Anh khá hiền, không phải người chí lớn nhưng gia đình có điều kiện sẵn. Hơn nữa, tôi cảm thấy anh đúng là một nửa còn thiếu, luôn kiên nhẫn lắng nghe tôi càm ràm đủ thứ. Khi tôi nóng, anh ngồi im cho tôi trút giận. Khi tôi nguôi ngoai, anh mới bắt đầu phân tích lí lẻ.

Nửa năm sau, chúng tôi quyết định kết hôn. Tuổi thì không còn trẻ, người hợp mình cũng đã tìm được, việc gì tôi phải chần chừ nữa chứ!

Tuy nhiên, có một chuyện xảy ra khiến tôi tới giờ vẫn do dự. Tôi vẫn thi thoảng qua nhà Thái ăn cơm, nhưng trước đó thì chỉ làm vài việc lặt vặt vì vẫn được coi là khách. Song từ ngày thưa chuyện cưới xin, mẹ anh cũng đã cởi mở hơn rất nhiều. Tôi cũng chủ động xin vào bếp nấu nướng món này món kia.

(Ảnh minh họa)

Ngay hôm đầu tôi vào bếp, tôi quyết định làm canh chua. Mẹ chồng tương lai thi thoảng chạy lên chạy xuống, thấy tôi thao tác nhanh nhẹn, làm việc đâu ra đấy nên cũng giơ ngón tay cái ngỏ ý khen ngợi.

Nhưng gần cuối, đúng lúc tôi đang cho nước mắm vào canh thì cô em chồng tru tréo lên: “Eo ôi, chị cho nước mắm vào canh á?”

Tôi đã “ngửi” thấy có chút sự chẳng lành rồi nhưng vẫn cười thảo mai, bảo: “Ừ, canh chua cho nước mắm ngon mà”.

Con bé ngúng nguẩy, đáp lại đầy mỉa mai: “Ngửi đã thấy mùi nhà quê rồi. Em không bao giờ nấu canh cho nước mắm”.

Tôi tức nghẹn tận họng, bình thường thì nhất định tranh cãi tới cùng rồi. Nhưng dù gì đây cũng là em chồng tương lai, tôi cố nhịn, mỉm cười nhẹ nhàng rồi quay sang mẹ chồng đang theo dõi câu chuyện.

“Bác ơi, bác nếm thử cho cháu xem canh vừa chưa với. Hôm trước cháu thấy bác nấu dùng nước mắm rất ngon nên cũng học theo. Bí quyết nấu canh chua này được nhiều người áp dụng mà sao em Ly lại chê quê nhỉ?” – tôi bình thản đáp lại.

Mẹ chồng tương lai đương nhiên cũng hiểu con gái mình vừa thốt ra một câu không mấy lịch sự. Hơn nữa, chính bà cũng nấu canh và cho nước mắm thật, lập tức bênh tôi và mắng cô em chồng. Dù hơi bực bội nhưng tôi nghĩ mình biết kiềm chế thế chắc cũng tới lúc sẵn sàng làm vợ, làm dâu rồi!

Theo: nhipsongviet