Mứt trái quất: Vừa là món ăn ngon vừa là bài thuốc

0
289

Trái quất lấy từ cây quất, còn gọi là cây tắc, cây kim quất, cây hạnh. Ở Việt Nam, quất được trồng làm cảnh, lấy quả làm thực phẩm và làm thuốc.

Mứt trái quất vừa là món ăn ngon trên mâm mứt Tết truyền thống vừa là bài thuốc đông y /// Shutterstock
Theo đông y, quất có tác dụng hạ khí, làm nhẹ ngực, chỉ khát (làm hết khát), giải độc rượu, trừ uế khí, trợ tiêu hóa, tiêu đàm, tiêu thực tích.
Quất thường dùng chữa ho trẻ em, nôn mửa do lạnh bụng, ăn uống không tiêu, đàm vướng ở cổ họng, khô cổ khát nước.
Dịch trái quất chứa pectin 10%, vitamin C (0,13-0,24mg%), sắt 5,1mg%, đồng 0,8mg%, đường, a xít hữu cơ và chất fortunelin.

Vỏ quất chứa tinh dầu gồm 25 thành phần, trong đó có alpha-pinen 0,4%, beta-pinen 2,7%, sabinen 2,8%, limonen 8,4%, beta-ocimen 0,3%, linalol 1,55%.

Qua đó, trái quất rất giàu chất pectin, là chất sợi hòa tan, có tác dụng ngoại hấp cholesterol trong máu, giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch. Các hoạt chất trong trái quất có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, nhuận trường, tăng cường chức năng tiêu hóa, kích thích hệ thần kinh trung ương, an thần, hạ huyết áp, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, phòng ngừa ung thư…
Bên cạnh đó, trong lá tươi và chồi của cây quất có chứa tinh dấu tỷ lệ 2,21%. Lá và hạt quất cũng được dùng làm thuốc. Lá quất vị cay đắng, tính lạnh, có tác dụng điều hoà, cải thiện chức năng gan, kích thích tiêu hoá, thông phế khí, chống nôn, nấc, tiêu hạch… Hạt quất vị chua cay, tính bình, dùng chữa các bệnh về mắt, viêm họng, tinh hoàn sưng to sa xuống dưới, có hạch ở cổ.
Rễ quất vị chua cay, tính ấm, cũng có tác dụng tỉnh tỳ, hành khí và tán kết, dùng chữa chứng nôn do bệnh lý dạ dày, nấc, nghẹn, mụn nhọt.
Sau đây là một số bài thuốc có dùng quất.

Chữa ho trẻ em

Trái quất chín 10-15 g, hoa hồng trắng 10-12 g, hạt chanh 6-8 g (hoặc rau tần dày lá 10-12 g).
Tất cả cho vào tô cùng với một ít mật ong hoặc đường phèn, đem chưng cách thủy hoặc hấp trong nồi cơm 15-20 phút.
Lấy ra nghiền nát, chia 2 lần cho trẻ uống trong ngày.

Chữa ho nhiều đàm

Quất chín 5-8 quả, đường phèn vừa đủ, đem hấp cách thủy, dùng ăn trong ngày.

Chữa nôn mửa do lạnh bụng

Vỏ trái quất 10-12 g, gừng tươi 10-12 g. Hai thứ hơ lửa cho sém cạnh.
Nấu với 500 ml nước, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bửa ăn.

Chữa bụng lạnh, ăn không tiêu, đầy trướng

Dùng quất chín 10-12 trái, ăn tươi vào lúc đói bụng.
Ngoài ra, có một số cách chế biến trái quất để giải khát, bổ dưỡng, trợ tiêu hóa, chữa ho đàm, như sau :
Quất muối: Rửa trái quất thật sạch, để ráo nước, xếp vào hũ sành hoặc hũ thủy tinh, cứ một lớp quất xen với một lớp muối, rồi đem phơi nắng. Thời gian cất giữ càng lâu, công hiệu càng tốt.
Khi sử dụng, lấy 5-10 trái quất muối nấu nước uống hoặc đâm nát ra, chế nước rồi quậy đều để uống.
Tác dụng: Chữa ho đàm, khô cổ, sau khi ăn bị nặng ngực, đàm vướng trong cổ không khạc được.
Nếu dùng để giải khát thì lấy 2-4 trái, đâm nát ra, hòa với nước đường hoặc nước pha mật ong để uống.
Sirô quất: Lấy 1 kg quất chín, rửa thật sạch rồi để cho ráo nước. Dùng kim sạch đâm sâu 6-8 lổ trên vỏ quất. Cho vào hũ sạch (hũ sành hoặc thủy tinh) cùng với 2 kg đường cát, cứ một lớp quất xen với một lớp đường. Đậy kín hũ trong một tuần lễ, ta được dịch sirô.
Khi dùng, lấy 1-2 muỗng canh nước sirô quất pha với 150-200 ml nước sôi để nguội, khuấy đều, sẽ có một món giải khát thơm ngon, bổ dưỡng, trợ tiêu hóa rất tốt.