Đại diện Sở Du lịch TP.HCM đã có những chia sẻ về việc mời Hoa hậu H’Hen Niê làm đại sứ Lễ hội Áo dài năm nay.
Xem thêm:
Sáng 26.2, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo ra mắt Lễ hội Áo dài lần 6, trong đó Sở Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố là đơn vị thường trực có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện.
Năm nay, sự kiện thường niên tôn vinh trang phục truyền thống của dân tộc nhận được sự tham gia tích cực của 26 nhà thiết kế cùng 15 đại sứ đồng hành gồm Hoa hậu H’Hen Niê, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Quế Trân, MC Quỳnh Hoa, Á hậu Lệ Hằng, Hoa hậu Thế giới người Việt 2016 Thái Nhiên Phương, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Chí Thiện, Kyo York, diễn viên Kim Tuyến… Trong đó Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018 đồng hành với Lễ hội Áo dài TP.HCM 2019 trong vai trò đại diện hình ảnh.
|
Nói về việc lựa chọn người đẹp Ê Đê, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ: “Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc, tất cả đều là anh em. Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, không của riêng bất kỳ dân tộc nào. Một cô gái Ê Đê cũng là người Việt Nam, thì cũng có quyền tự hào khi khoác lên chiếc áo dài Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Bên cạnh đó, H’Hen Niê là người đẹp có danh hiệu cao nhất tính đến nay, việc mời cô ấy làm hình ảnh đại diện và đại sứ có thể nói với Lễ hội áo dài là một sự lan tỏa rất lớn, giúp áo dài của chúng ta khẳng định được sức hút”.
Cũng theo bà Hoa, việc lựa chọn H’Hen Niê nhận được sự đồng tình cao. “Ban tổ chức không phân biệt địa phương, vùng miền, dân tộc nào, hễ ai có chung tình yêu áo dài, cùng tôn vinh áo dài Việt Nam đều được trân trọng. Lễ hội áo dài TP.HCM dù tổ chức ở TP.HCM nhưng cũng là vì văn hóa Việt Nam, chúng ta nghĩ đến cái chung. Các đại sứ đều tự nguyện, nhiệt tình, mong muốn quảng bá áo dài lan tỏa hơn trong đời sống”, bà Hoa nói thêm.
|
Về phần H’Hen Niê, người đẹp bày tỏ cô sinh ra tại Tây nguyên nên có thể chưa mặc áo dài từ nhỏ, mà thay vào đó là những miếng (váy tấm) bằng thao tác choàng quấn quanh eo, trang phục truyền thống của phụ nữ Ê Đê. Tuy nhiên khi vào TP.HCM học tập và làm việc, chân dài sinh năm 1992 rất thích thú và yêu mến áo dài.
“Khi H’Hen mặc áo dài thổ cẩm trong một hoạt động ở Hoa hậu Hoàn vũ 2018 tại Thái Lan, nhiều người đã để ý và hỏi tôi trang phục đó là gì. Tôi nói đó là áo dài của Việt Nam và nhận được nhiều lời khen ngợi. Ngày hôm đó tôi đã rất nổi bật và vô cùng tự hào với trang phục áo dài. Xuyên suốt Lễ hội áo dài này tôi mong muốn sử dụng mạng xã hội để lan rộng hơn nữa tình yêu dành cho trang phục này. Có thể mình không sinh ra với truyền thống mặc áo dài nhưng mình muốn mang tình yêu của công dân Việt Nam dành cho áo dài và dùng hết năng lượng quảng bá nó. Hi vọng tôi làm tốt vai trò của mình trên tinh thần công dân Việt Nam”, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 chia sẻ.
Năm nay, Lễ hội Áo dài TP.HCM mang thông điệp: “Tôi yêu Áo dài Việt Nam”, dự kiến có các hoạt động chính như sau:
– Lễ khai mạc với hơn 80 văn nghệ sĩ tham gia trình diễn vào lúc 19 giờ ngày 2.3 tại sân khấu chính phố đi bộ Nguyễn Huệ.
– Cuộc thi Duyên dáng Áo dài TP.HCM lần 6 với đêm chung kết ngày 3.3
– Cuộc thi Ảnh đẹp Áo dài online
– Tổ chức các chương trình truyền cảm hứng về áo dài cho du khách, học sinh, sinh viên, người dân thành phố (dự kiến diễn ra từ ngày 4-17.3) tại phố đi bộ Bùi Viện, Bưu điện thành phố, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, các trường học, doanh nghiệp, Quảng trường Thuận Kiều…
– Chương trình truyền cảm hứng ngày 6.3 tại Quảng trường Thuận Kiều (quận 5), giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập áo dài xưa và nay của Bảo tàng Áo dài…
|
Nguồn: thanhnien.vn