Dự án nghệ thuật quốc tế Saigon Urban Arts 2021

0
204

Saigon Urban Arts 2021 (SUA 2021) là một dự án nghệ thuật quốc tế được tổ chức bởi Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Goethe tại TPHCM trong khuôn khổ Quỹ văn hóa Pháp-Đức, phối hợp cùng với Hội đồng nghệ thuật Thụy Sĩ Pro Helvetia.

Nghệ thuật đường phố là một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật của chúng ta. Nó có thể xuất hiện trước mắt chúng ta một cách bất ngờ, ở bất kì nơi đâu trên những con phố, rồi nhanh chóng biến mất trong chớp mắt. Nghệ thuật đường phố hiện diện trong nhiều hình dạng và phong cách khác nhau. Đó là những bức tranh tường lớn được vẽ ở các tòa nhà với thông điệp về biến đổi khí hậu, hình ảnh thân thuộc như Cô Mía trên những chiếc xe đẩy, những dòng chữ đầy màu sắc được vẽ dưới các chân cầu, những bức họa được stencil bên cạnh những dãy số điện thoại “khoan cắt bê tông” và nhiều hình ảnh thân quen khác. Nghệ thuật đường phố góp phần làm nên nét đặc trưng của thành phố.

Saigon Urban Arts 2021 được tổ chức nhằm tôn vinh nét đẹp của nghệ thuật đường phố. Thông qua nhiều sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ dự án này, khán giả sẽ có dịp hiểu rõ hơn về giá trị và cách thức mà loại hình nghệ thuật này có thể mang lại: làm đẹp cảnh quan đô thị và là phương tiện biểu đạt giúp chúng ta thấu hiểu, kết nối với nhau hơn. Cũng trong khuôn khổ của dự án, Ban tổ chức còn muốn nhấn mạnh chủ đề Sự phát triển bền vững thông qua 17 mục tiêu được đề ra bởi Liên Hiệp Quốc.

Mở đầu Saigon Urban Arts 2021 sẽ là Phần 1 của sự kiện Vẽ tranh tường tại các không gian công cộng ngay tại trung tâm quận 1. Từ ngày 04 -18/12/2021, 5 nghệ sỹ đường phố của TP.HCM (Daos, Suby, Daes, Cresk và Kleur) sẽ thực hiện các bức tranh tường khổ lớn 10 x 20m tại 2 địa điểm gần nhau: Chung cư 1A, 1B Nguyễn Đình Chiểu và Villa 48 Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, Q.1. Các nghệ sỹ sẽ chọn một trong số các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc để phát triển ý tưởng và thực hiện các tác phẩm của mình. Trong thời gian các nghệ sỹ sáng tác, khán giả có thể đến xem, gặp gỡ và giao lưu với họ để hiểu thêm về nghệ thuật vẽ tranh tường.

Dự kiến vào tháng 3 năm 2022, trong Phần 2 của sự kiện Vẽ tranh tường, các nghệ sỹ quốc tế đến từ Pháp (Bouda) và Đức (Enni) sẽ tiếp tục phần sáng tác của họ để cùng các nghệ sỹ Việt Nam tạo thành những tác phẩm tranh tường hoàn chỉnh, cùng thể hiện phong cách sáng tác Á – Âu.

Cũng trong tháng 3 năm 2022, sẽ có rất nhiều sự kiện khác được tổ chức như: gặp gỡ cộng đồng, hội thảo chuyên đề, workshop tại trường học, lễ hội nghệ thuật đường phố…

VỀ CÁC NGHỆ SỸ THAM GIA SAIGON URBAN ARTS 2021

SubyOne (Việt Nam)

Nghệ sỹ SubyOne

Subyone, là một nghệ sĩ đương đại người Pháp gốc Việt, anh hoạt động trong lĩnh vực graffiti, hội họa và điêu khắc. Là một nghệ sĩ tự học, anh đã khám phá graffiti vào năm 1992 và bắt đầu thực hiện tác phẩm ở nhiều nơi tại Paris, như các trạm tàu điện ngầm. Các tác phẩm của anh không chỉ xuất hiện trên đường phố mà còn được giới thiệu tại các phòng trưng bày nghệ thuật trên khắp thế giới. Năm 2013, SubyOne chuyển đến Việt Nam và thành lập gallery đầu tiên dành riêng cho nghệ thuật đường phố tại Việt Nam – Giant Step Urban Art Gallery.

Daos501 (Việt Nam)

Daos501 là một trong những cái tên tiên phong cho phong trào nghệ thuật đường phố tại Sài Gòn. Anh đã bắt đầu thực hành sáng tác graffiti bằng các chất liệu truyền thống trước khi chuyển sang vẽ bằng sơn phun. Năm 2006, anh cùng với 3 người bạn thời trung học của mình thành lập nhóm New Day, một trong số ít các collectives tại Sài gòn vào thời điểm đó. Từ đó đến nay, Daos501 đã tham gia vào nhiều dự án như The Saigon Projects và NC store. Phong cách sáng tác của anh chịu ảnh hưởng từ truyện tranh, văn hóa đường phố New York và động vật.

Daes (Việt Nam)

Vào năm 2013, Daes bắt đầu khám phá về graffiti. Khi đó anh đang theo học ngành Công nghệ sinh học tại trường Đại học, nhưng graffiti đã nhanh chóng trở thành niềm đam mê của anh. Sau một quá trình dài suy ngẫm về con đường mà mình thực sự muốn tập trung và phát triển, vào năm 2017 Daes quyết định theo đuổi đam mê của mình là thiết kế đồ họa, digital art và thiết kế art toy. Các tác phẩm của anh có xu hướng thể hiện các nhân vật mạnh mẽ với màu sắc tươi sáng, mang những cảm xúc tích cực và hạnh phúc. Hiện tại, Daes là một trong những thành viên của “Wallovers” và anh đang thực hành nghệ thuật tự do.

Cresk (Việt Nam)

Dù đã theo học chuyên ngành về Thiết kế đồ họa tại trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và Văn Lang, Cresk đã quyết định theo đuổi bộ môn nghệ thuật graffiti. Anh là đồng sáng lập nhóm nghệ sĩ “Wallovers”. Nguồn cảm hứng của Cresk đến từ những điều giản đơn mà anh quan sát được trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt là hình tượng của người phụ nữ. Bên cạnh việc thực hành graffiti và thiết kế đồ họa, Cresk còn tạo ra các tác phẩm điêu khắc và art toys.

Kleur (Việt Nam)

Lớn lên trong một gia đình nghệ thuật, vậy nên niềm đam mê hội họa đã đến với Kleur một cách tự nhiên. Khi phong trào hip hop được du nhập vào Việt Nam, anh bắt đầu tìm hiểu về văn hóa đường phố, trong đó có graffiti. Sau khi theo học ngành thiết kế đồ họa, anh hiện làm việc tự do trong lĩnh vực thiết kế và nghệ thuật. Anh thường sáng tác bằng các chất liệu như sơn phun, đất sét, mực và các công cụ digital. Với nguồn cảm hứng được anh tìm thấy từ sự nhộn nhịp của thành phố, các tác phẩm của anh luôn tràn đầy năng lượng và sống động.

Bouda (Pháp)

Bouda sinh ra tại Tp. Hồ Chí Minh, nhưng cô lớn lên và làm việc tại Paris. Hiện nay cô đang hoạt động tại Paris với vai trò là nghệ sĩ illustrator và vẽ tranh tường. Trong các tác phẩm của mình, cô kết hợp một cách hài hòa hai phong cách trên cùng với nhiều chất liệu sáng tác khác nhau. Nguồn cảm hứng của cô thường đến từ các thành phố lớn, kiến trúc, sự đa dạng văn hóa và trên tất cả là nhịp sống sôi động ở những nơi đó.

Enni (Đức)

Enni là một nghệ sĩ đa ngành, một nhà thiết kế và nhà làm phim hoạt hình đến từ Đức gốc châu Á. Cô bắt đầu thực hành nghệ thuật khi còn khá trẻ và có nhiều thử nghiệm với sơn vẽ và tape. Sau khi tìm thấy niềm đam mê nghệ thuật và thiết kế, cô đã theo học Trường Thiết kế Münster, nơi cô tốt nghiệp với bằng thiết kế đồ họa và truyền thông. Dù là vẽ tranh, thiết kế hay làm hoạt hình, cô luôn cố gắng tạo ra các tác phẩm với những thông điệp mạnh mẽ.

Marc Lee (Thụy Sĩ)

Marc Lee là một nghệ sĩ người Thụy Sĩ. Các sáng tác của anh thiên về trình diễn tác phẩm trực tiếp, sắp đặt âm thanh và hình ảnh được lập trình sẵn, ứng dụng công nghệ thực tế ảo và các ứng dụng di động. Tác phẩm của anh thể hiện tính sáng tạo độc đáo được xây dựng từ các khía cạnh văn hóa, xã hội và môi trường. Tác phẩm của anh được trưng bày tại các bảo tàng lớn và các triển lãm ứng dụng công nghệ mới như ZKM Karlsruhe, New Museum New York, MMCA Seoul, Transmediale Berlin, Ars Electronica Linz.

VỀ BAN TỔ CHỨC

Viện Pháp tại Việt Nam

Bà Frederique Horn – Giám đốc Viện Pháp tại TP.HCM

Viện Pháp tại Việt Nam là một bộ phận trực thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, do Bộ Ngoại giao và Châu Âu của Pháp quản lý.

Viện Pháp tại Việt Nam phát triển các hoạt động hợp tác song phương trong các lĩnh vực sau : Hợp tác đại học và nghiên cứu (bao gồm cả y tế), thúc đẩy, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Pháp, giáo dục và đào tạo, hợp tác pháp lý, hỗ trợ hợp tác các dự án phi chính phủ NGO của Pháp tại Việt Nam.

Viện Goethe

Ông Mpangi Otte – Giám đốc Viện Goethe tại TP.HCM

Viện Goethe là một tổ chức văn hoá của Cộng hoà liên bang Đức, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới.

Viện Goethe hỗ trợ việc phổ cập tiếng Đức ở nước ngoài và thúc đẩy sự hợp tác quốc tế về văn hoá. Thông qua việc cung cấp thông tin về cuộc sống văn hoá, xã hội và chính trị, Viện Goethe giới thiệu một bức tranh toàn cảnh về nước Đức. Bằng các chương trình văn hoá và giáo dục của mình, Viện Goethe muốn hỗ trợ đối thoại liên văn hoá và tạo điều kiện cho tham gia văn hoá phát triển. Những chương trình này thúc đẩy việc xây dựng các cấu trúc của hệ thống xã hội dân sự và khuyến khích lưu động toàn cầu.

Hội đồng nghệ thuật Thụy Sĩ Pro Helvetia

Ông Martin Maier – Tổng Lãnh sự Thụy Sỹ

Pro Helvetia New Delhi là một phần của mạng lưới các văn phòng liên lạc trên toàn thế giới của Hội đồng Nghệ thuật Thụy Sĩ. Pro Helvetia New Delhi hỗ trợ và phổ biến nghệ thuật và văn hóa Thụy Sĩ ở Nam Á. Nó thúc đẩy trao đổi văn hóa, phát triển và nuôi dưỡng các mối quan hệ đối tác lâu dài, bắt đầu hợp tác sản xuất và hỗ trợ cư trú.

Quỹ văn hóa Pháp – Đức

Quỹ nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác văn hóa Pháp-Đức thông qua việc hỗ trợ các dự án văn hóa và nghệ thuật do các cơ quan đại diện ngoại giao và viện văn hóa của cả hai nước phối hợp chặt chẽ với các đối tác địa phương tiến hành.

Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser – Tổng Lãnh sự Pháp

 

Tiến sỹ Josefine Wallat – Tổng Lãnh sự Đức