Ám ảnh “bóng ma” Covid-19, thế giới chuẩn bị đón Năm mới trong lặng lẽ

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều khu vực trên thế giới khiến không khí đón Năm mới trở nên lặng lẽ và đầy âu lo hơn.

0
188

Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng cao và Năm mới đang đến gần, nhiều quốc gia đã thắt chặt các biện pháp phòng dịch. Chính vì thế, thông điệp “Hãy ở nhà” được nhiều người truyền tai nhau như một lời nhắc nhở về cách mà toàn nhân loại có thể cùng làm để vượt qua sự tàn phá khủng khiếp của Covid-19.

Ám ảnh “bóng ma” Covid-19, thế giới chuẩn bị đón Năm mới trong lặng lẽ - Ảnh 1.

Giống như nhiều quốc gia châu Á, Năm mới là dịp mà nhiều người dân Nhật Bản thường về quê nghỉ lễ cùng gia đình, bạn bè. Song truyền thống này cũng sẽ dẫn đến nguy cơ số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cao sau kỳ nghỉ năm nay. Chính vì vậy, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide kêu gọi người dân xứ sở hoa anh đào đón Năm mới trong lặng lẽ, hạn chế các cuộc tụ họp với gia đình và bạn bè nhằm kiềm chế số ca lây mắc Covid-19 đang tăng nhanh tại nước này.

“Tôi hiểu rằng sẽ có nhiều cơ hi để dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Nhưng hãy hạn chế tổ chức tiệc tùng càng nhiều càng tốt để chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong kỳ nghỉ Năm mới”, Thủ tướng Suga nhận định.

Thủ tướng Nhật Bản cũng yêu cầu các bộ trưởng luôn trong trạng thái sẵn sàng thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan. Hiện nay, nhiều địa phương của Nhật Bản đang phải chật vật đối phó với sự lây lan ở mức kỷ lục của virus SARS-CoV-2.

Không khác Nhật Bản là bao, Hàn Quốc cũng trải qua những tuần hết sức tồi tệ vì dịch Covid-19. Chính vì thế, chính phủ nước này cũng siết chặt quy tắc phòng dịch đối với các nhà hàng, quán ăn…, chẳng hạn như cấm đặt bàn trên 5 người. Những quy định trên có hiệu lực đến ngày 3/1. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có những cuộc tụ tập đông vui đón chào Năm mới tại nước này.

Không chỉ châu Á, nhiều quốc gia châu Âu cũng sẽ phải đón “Năm mới phong tỏa” khi siết chặt các biện pháp hạn chế để chặn đứng nguy cơ xâm nhập của biến thể mới, khác với chủng virus lần đầu tiên bùng phát tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi đầu năm. Italy là quốc gia mới nhất thực thi các quy định “vùng đỏ” trên cả nước sau khi số ca mắc mới Covid-19 tăng mạnh trong những ngày cuối năm, theo đó các biện pháp phong tỏa chống dịch sẽ kéo dài đến ngày 6/1/2021.

Trước đó, từ ngày 20/12, Vương quốc Anh, nơi đầu tiên xuất hiện virus SARS-CoV-2 biến thể tại châu Âu cũng áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 4 đối với gần như toàn bộ vùng England. Theo đó, kế hoạch tổ chức các sự kiện mừng Năm mới bị hủy bỏ, người dân ở trong nhà, không được đến nhà nhau, không được tụ tập ngay cả ngoài trời, các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Ngoài Anh, các nước khác như Séc, Scotland,… cũng đã ban hành những hạn chế nghiêm ngặt nhất nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19.

Với những diễn biến nghiêm trọng đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến sự hy sinh của quá nhiều người để giữ gìn và bảo vệ sự sống trước đại dịch và sự hy sinh đó không nên bị uổng phí trong những ngày lễ.

Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới Mike Ryan nói: “Đại dịch rất nghiêm trọng. Nó lây lan khắp thế giới cực kỳ nhanh chóng và đã ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của hành tinh. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu ngày càng phức tạp, những mối đe dọa này sẽ tiếp diễn. Một điều chúng ta có thể rút ra từ đại dịch sau tất cả thảm kịch và mất mát, đó là chúng ta cần phải cùng nhau hành động. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho một điều gì đó có thể còn nghiêm trọng hơn trong tương lai. Vì vậy, chúng ta phải tôn vinh những người đã mất bằng cách làm tốt hơn những gì chúng ta làm mỗi ngày”.

Thế giới chuẩn bị khép lại năm 2020 khó khăn chồng chất với dấu mốc hơn 80 triệu ca mắc Covid-19 như một lời nhắc nhở rằng, chừng nào đại dịch chưa chấm dứt, cuộc rượt đuổi của vaccine theo những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chưa có hồi kết, thì chừng đó mọi người chưa thể “quẳng gánh lo đi” để vui sống với những sự kiện, tiệc tùng hay hội hè đình đám. Cả thế giới vẫn phải cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với đại dịch.

Theo VOV